I. Khái quát về chim trĩ đỏ khoang cổ:




Trĩ đỏ hay tên đầy đủ là Chim trĩ đỏ khoang cổ trắng  thuộc họ trĩ, bộ gà.

Chim trĩ thường sống ở vùng đồi núi thấp, có độ cao lên tới 800m, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm và rừng thông. Ở Việt Nam, trĩ phân bố tại Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái, Đức Trọng - Lâm Đồng...

Đây là loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, chúng có bộ lông rất đẹp.

+ Chim trĩ một ngày tuổi có bộ lông màu cánh sẻ, có ba đường kẻ sọc chạy dài từ đầu đến cuối thân. Khi trưởng thành có màu lông đồng nhất.

+ Chim trống mào đỏ và bộ lông óng mượt khá đẹp màu xanh lục ở đầu, họng và trước cổ, phần lông còn lại có màu nâu hung đỏ hay nâu vàng. Chiều dài thân con trống trưởng thành từ 70-90cm.

+ Chim mái có bộ lông vằn nâu, điểm các chấm đen hay màu xám mốc, Con mái có kích thước nhỏ hơn

II. Kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ:



 Một số điểm cần lưu ý khi nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ:

1. Cách chọn giống:


Dựa vào đặc điểm cơ thể để phân biệt chim trống, mái :

Ở cùng lứa tuổi Chim trĩ trống thường có ngoại hình lớn hơn chim trĩ mái.

Lúc còn nhỏ rất khó phân biệt, chủ yếu dựa vào cảm quan nghề nghiệp và một số biểu hiện nhỏ về sự khác biệt trong tập tính sinh hoạt và ngoại hình chim.

Có thể phân biệt bằng mắt thường qua việc so sánh kích thước cơ thể, chiều cao chân, hoặc lỗ huyệt.

Khi bước vào thời kỳ 2 -3 tháng tuổi chim trống có biểu hiện chuyển dần màu lông từ nâu nhạt sang màu đỏ pha, lúc này trọng lượng và chiều dài cơ thể lớn hơn chim mái rõ rệt.

Trên cổ chim trống hình thành tuyến lông màu đồng, phía dưới là màu xanh lá cây hoặc màu tím sáng.

Kế tiếp xuất hiện 1 vòng lông cổ màu trắng (thường gọi là Trĩ Đỏ Khoang Cổ Trắng) lông đuôi có màu đỏ và màu hạt dẻ pha trộn với các vệt đen hoặc trắng nhạt.

Trên má hình thành hai màu đỏ và hai chỏm lông sừng màu xanh thẫm. Chim trống trưởng thành có thể nặng tới 1,4 – 2kg, lông đuôi có thể đạt 0,4 – 0,6m, tùy theo chế độ chăm sóc và mật độ nuôi thả.

Chim mái có kích thước nhỏ hơn chim trống. Sau khi thay lông ở thời kỳ 3-5 tháng tuổi chim mái sẽ ổn định ở bộ lông màu tối có những đốm đen, pha lẫn màu hạt dẻ.

Chim mái có đuôi ngắn hơn chim trống, trọng lượng bình quân của một chim mái trưởng thành khoảng 0,7 – 1,2kg / con.

2. Kỹ thuật làm chuồng:


Chim trĩ thích nghi tốt ở nhiều điều kiện địa hình và vùng khí hậu khô mát. Việc làm chuồng trại nuôi chim trĩ khá đơn giản, ta có thể tận dụng các khu chuồng nuôi cũ, chuồng heo, chuồng bò, chuồng gà, nhà kho… miễn sao đảm bảo vệ sinh, thoáng mát, và kín để chim không bay đi mất.

Với chim non từ 1 -2 tháng tuổi: nuôi, úm trong chuồng lưới mắt cáo, hoặc rãi trấu, hạn chế tiếp đất, nuôi ở nơi kín gió và đảm bảo tốt nhất về công tác vệ sinh và cách ly phòng ngừa dịch bệnh.

3. Thức ăn

Thức ăn dùng cho chim trĩ bao gồm: lúa, gạo, bắp, thức ăn công nghiệp cho gà.

Chim từ 3 tuần trở lên ta cho chim ăn thêm rau xanh như: rau muống, rau lan, xà lách, chuối cây, lục bình, dưa hấu, dưa gan, dưa lê, cỏ non các loại....và một số côn trùng như: sâu gạo, mói, mọt, dế, tôm tép nhỏ...

4. Kỹ thuật ấp nở :


Chim trĩ giống sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi thì bắt đầu đẻ trứng, bình quân 1 chim trĩ mái sinh Sản từ 95 – 100 quả trứng/năm.

Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng, chim thường đẻ nhờ vào tổ chim khác.Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo ta phải dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim.

Thường có 2 cách cơ bản để ấp trứng chim trĩ:

Dùng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở tương tự (gà đất, gà tre, gà ri, gà tàu vàng...vv). Cách ấp này đơn giản như ấp trứng gia cầm thông thường tuy nhiên khó áp dụng cho nuôi quy mô lớn

Dùng máy ấp: Sử dụng loại máy ấp trứng gia cầm thông thường để ấp. Thời gian ấp nở khoảng 24 -25 ngày, nhiệt độ ấp khoảng 37,50C.

5. Qui trình chăm sóc và nuôi dưỡng chim trĩ


Qui trình chăm sóc và nuôi dưỡng chim trĩ:  từ 1 ngày tuổi đến 2 tháng tuổi

*Chuồng ấp chim non:

Chim trĩ mới nở khi đã khô lông, ta chuyển chim sang lồng ấp với diện tích như sau:

+ Chiều rộng 1m, chiều dài 1,5m, chiều cao 0,70m. Với diện tích này ta có thể úm 70-80 cá thể chim non.

Lưu ý: lòng ấp cho chim non ta sử dụng lưới mắc cáo loại nhỏ( lưới sàn cát)

+ Sau 1 tuần chim lớn ta tách chim ra làm 2 lồng.

+ Sau 2 tuần ta chuyển chim từ lồng ấp bằng lưới mắc cáo sang lồng ấp với lưới to hơn (gấp đôi lưới mắc cáo) để phân chim dễ lọt xuống sàn và không bị  dính vào chân của chim khi chúng di chuyển.

+ Giai đoạn từ 3 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi: tùy theo số lượng của chim mà ta có thể điều chỉnh diện tích lồng úm cho phù hợp 

Lưu ý: diện tích phải đủ rộng để tránh trình trạng chim cắn mổ lông

* Quy trình cho chim uống thuốc

- Chim con mới nở ra, do lòng đỏ chưa tan. Trong 2 ngày đầu ta dùng thuốc úm gà con pha vào nước cho chim uống

(Lưu ý: nước cho chim uống là nước sạch hoặc nước đun sôi để nguội, liều lượng thuốc cho chim uống được hướng dẫn chi tiết trên bao bì gói thuốc). 

* Mục đích:  cho lòng đỏ tiêu bớt và tránh trình trạng chim đi phân tiêu chảy do chim bắt đầu tập ăn.

  1. Từ ngày thứ 3 trở đi ta cho chim uống nước sạch hoặc cung cấp thêm vitamin cho chim như: ADE, Becomlec, Vit C, Điện giải….. Cứ 5 ngày ta cho chim uống thuốc tiêu chảy 1 ngày, các ngày còn lại ta cho chim uống nước sạch và tốt nhất là bổ sung thêm vitamin cho chim.
  2. Quy trình này được lập lại và chú ý theo dõi phân của chim để có thể biết được trình trạng sức khỏe, theo dõi mức độ linh hoạt của chim để có thể xử lý kịp thời.


* Thức ăn cho chim

  • Sau khi chim nở ra ta cho chim uống nước khoảng 2 tiếng rồi  ta mới bắt đầu cho chim ăn (thức ăn cho chim là loại cám gà tổng hợp chuyên dùng cho gà con, máng ăn và  bình nước uống cũng  chuyên dùng cho gà con), nên sử dụng thức ăn tốt nhất cho chim.
  • Sau 1 tuần ta bổ sung thêm rau xanh bằng cách cắt nhỏ và bỏ vào máng ăn cho chim.


*Chiếu sáng cho chim:

  • Giai đoạn từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi ta chiếu sáng 24/24 . với diện tích chuồng nuôi như trên ta có thể gắn 2 bóng đèn loại 75W.
  • Giai đoạn từ 1 tháng đến 2 tháng tuổi: ta giảm chiếu sáng vào những buổi trưa nắng nóng


* Lưu ý: Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ.

  1. Nếu chim tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ, chim  đang bị lạnh.
  2. Nếu chim tản xa nguồn nhiệt, nháo nhát, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.
  3. Nếu chim tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần phải che lại hướng gió thổi.
  4. Khi đủ nhiệt gà ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều.


* Tiêm phòng vaccin:

  1. Chim trĩ đỏ thuộc loại động vật hoang dã quí hiếm nên rất ít bệnh xảy ra, tuy nhiên ta phải tiêm phòng vaccin đầy đủ cho chim. Quy trình tiêm phòng vaccin cho chim trĩ cũng giống như quy trình tiêm phòng vaccin trên gia cầm.
  2. Trên thị trường có nhiều hãng  sản xuất vaccin nên quy trình tiêm phòng cũng khác nhau giữa các hãng.
  3. Lịch tiêm phòng vaccin này bà con sẽ được các tiệm thú y - do các bác sỹ thú y hướng dẫn chi tiết và phụ thuộc vào điều kiện dịch tễ của từng vùng.
  4. Các bệnh chính được tiêm phòng như: bệnh Gumboro, bệnh Newcastle (bệnh dịch tả gà) ……


* Qui trình chăm sóc và nuôi dưỡng chim trĩ: từ 2 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi.

  1. Từ 2 tháng tuồi trở lên ta chuyển chim từ lồng  úm sang chuồng nuôi chim hậu bị với diện tích nuôi 1-2 con/m.
  2. Nền chuồng ta có thể trán ximăng hoặc để nền đất, sau đó ta thêm 1 lớp cát vàng, cát xây dựng khoảng 3- 4 cm cho chim tắm cát và làm ổ đẻ.
  3. Ta thiết kế 1 số dàn cây cao 0,5m cho chim bay lên
  4. Thức ăn cho chim giai đoạn này là loại cám dành cho gà trưởng thành, ta bổ sung thêm rau xanh hàng ngày cho chim, một số ít lúa, bắp ….
  5. Quy trình cho chim uống thuốc: 7 ngày ta cho chim uống thuốc tiêu chảy 1 lần, các ngày còn lại ta bồ sung thuốc bổ, vitamin, chất khoáng, thuốc chống cắn mổ lông…
    • Giai đoạn này chăm sóc chim khá đơn giản và ít tốn công chăm sóc hơn so với chim non.
    • Tẩy giun cho chim: khi chim được 7 tháng tuổi ta tiến hành tẩy giun cho chim trước khi bước vào chu kỳ sinh sản.

* Qui trình chăm sóc và nuôi dưỡng chim trĩ sinh sản:

  • Chim mới bắt về nên cho uống thuốc tiêu chảy 1ngày để tránh rối loạn về thức ăn và nước uống.
  • 1 tuần cho uống thuốc tiêu chảy 1 ngày, các ngày còn lại cho uống thuốc bổ.
  • Chất khoáng được trộn vào thức ăn cho chim ăn.
  • Sáng 6h30’- 7h : lấy bình nước ra rửa và phơi khô. Sau đó lấy bình mới pha nước + thuốc đem cho chim uống. Đến chiều tối khoảng 5- 6h ta vào chuồng chắt nước bẩn ra và bật đèn đến khoảng 9h thì tắt để chim ngủ.
  • Thức ăn chim giai đoạn này là cám tổng hợp dành cho gà đẻ
  • Cho chim ăn ngày 1 lần vào lúc sáng sớm. Sáng hôm sau vệ sinh máng ăn( trút thức ăn thừa+ cát ra rồi đổ thức ăn mới vào)

Mỗi ngày nên bổ sung rau xanh như: rau lang, rau muống, xà lách, chuối cây, lục bình…… 

Rau có thể xắt nhỏ bỏ vào máng ăn hoặc treo thành bó. Ngoài ra còn có thể cho chim ăn thêm các loại côn trùng như: mói, mọt, sâu gạo, dế……..

6. Cách phòng và trị bệnh cho chim trĩ:

Chim trĩ đỏ là loài động vật hoan dã quý hiếm, với những đặc tính riêng của loài. Chim trĩ thích nghi tốt trong môi trường nuôi nhân tạo, dễ nuôi, dễ chăm sóc và ít bệnh tật.

Trong suốt thời gian theo dõi chúng tôi chưa phát hiện chim trĩ mắc các bệnh truyền nhiễm trên gia cầm như: bệnh Gumboro, bệnh Newcastle, bệnh tụ huyết trùng, bệnh đậu…vv.

Tuy nhiên chim trĩ cũng mắc một số bệnh thông thường như: bệnh tiêu chảy, bệnh sổ mũi, bệnh cắn mổ nhau….


Các bệnh này  chủ yếu xảy ra khi thay đổi thời tiết, do vận chuyển .. đều có thuốc đặc trị rất dễ tìm mua ở các tiệm thuốc thú y. Về cơ bản cách phòng và trị bệnh không khác nhiều so với nuôi gà .
 
Top